Bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài

http://www.dna.com.vn/wp-content/uploads/2017/07/171210-bao-ho-thuong-hieu.jpg

Những ngày gần đây, dư luận rộ lên câu chuyện về nguy cơ thương hiệu của Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có thể mất vào tay đối tác đã hâm nóng lại ý thức bảo vệ thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp.


Đi đòi thương hiệu

Việc đối tác Singapore là Sabeco Asia Pacific sử dụng con dấu có hình ảnh gần giống như hình ảnh thương hiệu Sabeco đã phần nào cho thấy sự chủ quan của Sabeco trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. Bài viết này không bàn vào nội dung hợp đồng ký kết cũng như sự vô tình hay hữu ý trong việc chọn đối tác của Sabeco để dẫn đến những sự cố đáng tiếc như hiện nay. Chỉ nhân đây xin nhắc lại những câu chuyện thương hiệu đã bị đối tác nước ngoài chiếm đoạt và một vài gợi ý để giúp doanh nghiệp bảo vệ tài sản vô hình của mình: thương hiệu.

Kẹo dừa Bến Tre thường được nhắc đến như một trường hợp đầu tiên, và cũng là trường hợp hy hữu có được một cái kết có hậu về chuyện đi đòi thương hiệu của mình ở nước ngoài.

Năm 1998, doanh số tiêu thụ kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc đang tăng cao thì đột ngột giảm mạnh do một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền nhãn hiệu này ở Trung Quốc. Bà Hai Tỏ, chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre, đã phải bao phen vất vả, hết gõ cửa chính quyền đến gặp gỡ giới truyền thông nước này để chứng minh kẹo dừa Bến Tre là của Việt Nam. Năm 1999, bà thành công trong việc đòi lại tên thương hiệu.

Thương hiệu Vinataba của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam dẫu đã được đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước từ năm 1990, nhưng đến năm 2001, khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở một số quốc gia, mới hay là thương hiệu này đã được Công ty Putra Satbat Industry của Indonesia “đăng ký giùm” ở 13 nước. Điều này đồng nghĩa sản phẩm Vinataba không thể xuất khẩu sang các quốc gia đó, vì sẽ vi phạm luật sở hữu trí tuệ, hàng thật sẽ biến thành hàng giả. Trong 13 thị trường trên có các thị trường láng giềng quan trọng như Trung Quốc, Lào và Campuchia. Phải tìm đủ mọi cách, trải qua bao phen tranh đấu, tốn nhiều tiền của, công sức, nhưng cho đến nay, theo một chuyên gia, Vinataba mới chỉ giành lại được thương hiệu của mình ở Campuchia.

Những rắc rối của nhãn hiệu mì ăn liền Vifon ở Ba Lan, bia Sài Gòn ở Mỹ, bánh phồng tôm Sa Giang tại Pháp và hàng loạt câu chuyện bị đánh cắp thương hiệu khác, theo các chuyên gia, đã phần nào đánh động ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong nước.

Điểm chung của những trường hợp trên là sản phẩm thật của doanh nghiệp sẽ trở thành hàng giả, hàng nhái khi đi vào các thị trường đã được phía đối tác đăng ký bảo hộ trước. Điều đó cũng đồng nghĩa cơ hội kinh doanh ở đó bị khép lại nếu không chịu mất một khoản tiền lớn để “chuộc” lại tên mình.

Để tránh rủi ro

Theo các chuyên gia, tuy đã có nhiều trường hợp bị đánh cắp thương hiệu, thế nhưng việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn chưa được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức. Vì thế, trong tương lai sẽ tiếp tục có doanh nghiệp khác đi theo vết xe đổ. Bởi bản thân doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chú trọng hoặc chưa đủ tiềm lực để có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nhiều quốc gia khác nhau. Doanh nghiệp chưa thể tiên liệu trước việc phát triển và mở rộng đến các thị trường mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã đi trước doanh nghiệp trong nước khá xa. Vì thế nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã dò xét, đánh giá những doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển và đăng ký bảo hộ thương hiệu hay tên miền ở nước sở tại trước, với một chi phí khá rẻ. Mục đích là sẽ bán lại cho các doanh nghiệp nạn nhân sau này. Ngay ở Việt Nam cũng đã xảy ra hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu, làm đại lý đã nẫng tay trên nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài luôn có những bước đi rất bài bản trong việc xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu. Một luật sư ở Hà Nội cho biết, ba năm trước đây, văn phòng của ông nhận được một câu hỏi dài 10 trang của một doanh nghiệp nước ngoài, đại ý nói rằng để có thể bảo hộ một sản phẩm với kích thước, hình dáng, hoa văn như thế… thì cần tiến hành ra sao để phù hợp pháp luật Việt Nam. Bẵng đi một thời gian, đến đầu năm 2010, văn phòng của ông lại nhận được hai yêu cầu của doanh nghiệp trên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho hai sản phẩm… iPhone 3G và iPhone 4.

Như vậy, có thể nói, đối với các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, chuyện bảo hộ thương hiệu của họ rất được chú trọng. Họ luôn có được sự chuẩn bị hết sức chu đáo và bài bản trong việc này.

Để tránh những rủi ro có thể gặp, mà lúc đó chi phí kiện tụng cho việc đòi lại thương hiệu của mình sẽ lớn gấp nhiều lần so với mức phí đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trước, các chuyên gia khuyên doanh nghiệp cần chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài.

Tiến sĩ Trần Lê Hồng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết có hai cách để đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài là đăng ký theo thỏa ước và nghị định thư Madrid và đăng ký trực tiếp tại nước sở tại. Việc đăng ký theo cách thứ nhất, thông qua Cục Sở hữu trí tuệ, có cái lợi là có thể đăng ký cùng lúc ở nhiều nước với chi phí khá rẻ, khoảng 200-300 đô la Mỹ cho 10 năm đầu bảo hộ. Trong khi đó, nếu đăng ký trực tiếp tại từng nước, các doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí dịch vụ, thường lên tới hàng ngàn đô la Mỹ/lần và cũng chỉ đăng ký được ở từng nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh, luật sư thành viên, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ và công nghệ Công ty Luật Indochine Counsel, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu. Đây cũng là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện các cuộc xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, hay xử lý các tranh chấp về thương hiệu do chính mình gầy dựng.

Theo TBKTSG 

Bài viết khác